Hotline: 0976 383 668 / 0389 408 136
Thông báo của tôi

Doanh nghiệp nhỏ, khó khăn lớn

Doanh nghiệp nhỏ, khó khăn lớn

Nhiều chủ DN vừa và nhỏ vẫn chưa chủ động chuẩn bị cho chuyện hội nhập vào các thị trường lớn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), rất ít DN chịu tìm hiểu thị trường, đổi mới công nghệ, chuẩn bị nguồn nhân lực... để bước vào hội nhập, trước mắt là Cộng đồng kinh tế ASEAN.

* Chưa biết chuẩn bị gì

Ông Lê Văn Lĩnh, chủ DN sản xuất ốc vít tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), cho hay các thông tin về hội nhập, ký kết ông cũng nghe nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng DN của mình bị tác động cụ thể như thế nào thì ông vẫn không rõ. Đến nay, ông cũng chưa có động thái gì để chuẩn bị hội nhập. Ông Lĩnh nói: “Sản phẩm của DN tôi bán cho khách quen trong nước, lại là mặt hàng đặc thù, không phải hàng tiêu dùng thông thường nên tôi không đánh giá được những ảnh hưởng sẽ có khi Việt Nam ký kết các FTA, từ đó cũng chưa biết phải chuẩn bị gì”.

Không hoàn toàn bình thản như ông Lĩnh, bà Lê Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Tân Minh Phước (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất khăn giấy cung cấp cho các công ty trong khu công nghiệp, cũng biết khi cánh cửa ASEAN được mở thì sản phẩm của công ty sẽ bị những mặt hàng cùng loại của các nước Thái Lan, Indonesia hay Malaysia cạnh tranh mạnh mẽ. Bà Hoa cũng thừa nhận, nếu sản phẩm giấy và khăn giấy của Indonesia nhập khẩu vào Việt Nam không chịu thuế thì ngay cả các DN lớn trong nước cạnh tranh cũng khó khăn. Hiện bà chỉ hy vọng cố gắng giữ được thị phần của mình, sau này “tính tiếp”.

Giám đốc một DN chuyên làm dịch vụ báo cáo thuế và kế toán ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa cho biết, hơn 200 DN nhỏ là khách hàng của công ty ông khi được hỏi về việc chuẩn bị cho hội nhập vào cuối năm nay thì hầu như các chủ DN vẫn bối rối, thậm chí khá thờ ơ.

* Yếu nhiều mặt

Từ năm 2014 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Thế Linh chuyên sản xuất drap, gối, nệm ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đã phải 2 lần thuê tư vấn cho chiến lược phát triển công ty trong giai đoạn mới và tư vấn sản xuất để chuẩn bị cho cuộc chơi mới. Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Các sản phẩm tiêu dùng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của DN các nước trong khu vực. Đây là việc không dễ dàng cho DN, nếu không tìm hiểu kỹ đâu là thế mạnh của mình, đâu là điểm mạnh của DN ngoại thì khả năng thua ngay trên sân nhà là rất lớn và trực tiếp ngay trước mắt”. Ông Linh cũng chỉ ra cụ thể những điểm yếu mà nhiều DN Việt Nam đang gặp phải, đó là: vốn ít, thay đổi máy móc công nghệ sản xuất chậm; hiệu quả lao động của công nhân còn thấp; nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; các chi phí cho sản xuất cao. Đây cũng là điều trăn trở mà lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thường xuyên đề cập đến.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, phân tích khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành sẽ tạo ra một thị trường thương mại tự do rất lớn. Nhiều sự chuyển dịch trong khối không đơn thuần chỉ là sự xâm nhập hàng hóa. Cụ thể, như các dòng vốn đầu tư, dịch vụ, lao động cũng có thay đổi mạnh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong khi các DN vừa và nhỏ trong nước còn khá “đủng đỉnh” với hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN thì Nhà nước cũng chưa có những hỗ trợ cụ thể cho khối DN này.

Vân Nam (baodongnai.com.vn)

Đang xem: Doanh nghiệp nhỏ, khó khăn lớn