Hotline: 0976 383 668 / 0389 408 136
Thông báo của tôi

KHÁM PHÁ ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG MÂM CỖ NGÀY TẾT 3 MIỀN

KHÁM PHÁ ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG MÂM CỖ NGÀY TẾT 3 MIỀN

Đối với người Việt, mâm cỗ Tết không chỉ là sự hội tụ của tinh hoa ẩm thực, với những món ăn đậm đà hương vị, đa dạng sắc màu mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa tâm linh, mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi vùng miền, tượng trưng cho sự đoàn tụ, sung túc và may mắn cho cả năm.

Theo truyền thống, mâm cỗ Tết thường được các gia đình chuẩn bị với những món ăn được chế biến cầu kỳ, bày biện đẹp mắt, tượng trưng cho tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm, đồng thời mong ước cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy trong năm mới.

Mâm cỗ miền Bắc

Điểm đặc biệt trong mâm cỗ Tết của người dân miền Bắc chính là món thịt đông. Món ăn được làm từ thịt ba chỉ, bì lợn, có khi có cả tai, mũi lợn hoặc thịt gà, ninh nhừ cùng nấm, mộc nhĩ, dậy mùi thơm của tiêu. Khi nấu xong, thịt được để nguội và dưới cái lạnh của miền Bắc, món thịt sẽ đông lại, tạo lớp bọc trong suốt. 

Thịt đông được xem là “đặc sản” của mâm cỗ Tết miền Bắc - Ảnh: Internet

Ngoài ra, Tết của người dân miền Bắc thường có bát canh măng. Măng khô thường được nấu với móng giò, xương sườn hoặc gà được ninh kĩ. Măng khô được ngâm rửa sạch, luộc chín 2 - 3 lần rồi xé sợi và nấu cùng với nồi xương đã ninh cho đến khi măng mềm nhừ, ngấm gia vị. Món canh được ăn nóng, cùng với hành lá, mùi tàu thái nhỏ.

Mâm cỗ đặc trưng người dân miền Bắc - Ảnh: Internet

Mâm cỗ miền Trung

Người miền Trung thường chú trọng đến yếu tố lưu trữ nên một số gia đình thường làm những món mặn như thịt kho, tôm rim, gà rán, nem, thịt ngâm nước mắm,… vào dịp Tết. 

Tôm chua - món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Trung - Ảnh: Internet

Đặc biệt, người miền Trung rất thích ăn những món cuốn nên không thể nào thiếu đi các món như thịt luộc, cá hấp cuốn bánh tráng, nem lụi,… 

Thịt ba chỉ được sơ chế, ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu vừa ăn trong các hũ thủy tinh. Khi ăn, thịt được cắt lát và bày biện ra đĩa, ăn kèm với dưa món, có thể dùng trong nhiều ngày - Ảnh: Internet

Mâm cỗ miền Nam

Người miền Nam quan niệm rằng, Tết đến ăn canh khổ qua để cầu mong “khổ” sẽ “qua” đi, xua đi những khổ cực trong năm cũ, đón một năm mới tốt lành, hạnh phúc hơn. Món canh được nấu đơn giản với khổ qua, bên trong là nhân thịt lợn băm nhuyễn cùng nấm, mộc nhĩ và hành.  

Ngoài ra, trong mâm cỗ Tết của người miền Nam không thể thiếu món thịt kho trứng (thịt kho tàu). Dân gian cho rằng, miếng thịt vuông, quả trứng tròn là tượng trưng cho sự vuông tròn của đất trời, nếu ăn vào dịp năm mới thì sẽ có một năm đủ đầy, trọn vẹn. 

Những món ăn quen thuộc trong mâm cỗ người miền Nam - Ảnh: Internet

Lạp xưởng cũng thường xuyên xuất hiện trong mâm cỗ Tết miền Nam - Ảnh: Internet

Đang xem: KHÁM PHÁ ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG MÂM CỖ NGÀY TẾT 3 MIỀN