Tin tức - sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hỗ trợ khách hàng
0976383668
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 5
- Trong ngày: 43
- Hôm qua: 93
- Tổng truy cập: 778924
- Truy cập nhiều nhất: 2023
"Thắp lửa" khát vọng khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên tại Đồng Nai
(DĐDN) - Ngày 19/10/2013, hơn 700 sinh viên đến từ 9 trường Đại học, cao đẳng cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn 935 đã tham gia chương trình "Giao lưu khởi nghiệp" tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi tỉnh Đồng Nai.
Ngay từ 7 giờ sáng, trước khi chương trình diễn ra, đã có rất đông sinh viên trườngng Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi tỉnh Đồng Nai đến tham dự chương trình.
Tham dự chương trình Giao lưu khởi nghiệp 2013 tại Đồng Nai có ông Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai; Ông Võ Tân Thành – Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh TP HCM; Ông: Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp; Ông Phạm Duy Doanh – Trưởng ban Tổ chức Khởi nghiệp phía Nam, Trưởng cơ quan đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp phía Nam; Ông Huỳnh Minh Đức – Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Thanh niên nông thôn – An ninh Quốc phòng Tỉnh đoàn Đồng Nai; Ông Lưu Phước Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi; Ông Vũ Ngọc Nam - Bí thư đoàn Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi cùng đại diện doanh nghiệp, doanh nhân, đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự hiện diện của hơn 700 sinh viên tại 9 trường đại học, cao đẳng cùng các cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn 935... trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Chương trình quốc gia về Khởi nghiệp do VCCI khởi xướng và chủ trì từ năm 2003, do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thường trực tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương trên toàn quốc để cùng triển khai công tác hỗ trợ, đào tạo giúp các bạn trẻ có thể giao lưu, học hỏi và tìm ra con đường lập nghiệp cho riêng mình. Ngoài hoạt động Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong năm 2013 sẽ được triển khai trên toàn quốc nhằm tăng cường khả năng hiện thực hóa dự án kinh doanh thông qua phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo, tư vấn, đầu tư… hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân - như TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp khẳng định là: “…Có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và có năng lực cạnh tranh cao. Nói một cách hình tượng và ngắn gọn thì có 3 trụ cột hình thành nên phẩm chất của doanh nhân Việt bao gồm: Tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội và năng lực cạnh tranh. Về bản sắc riêng, doanh nhân Việt phải có tinh thần của anh Bộ đội Cụ Hồ - người lính thời bình. Doanh nhân Việt dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh không chỉ để làm giàu mà còn vì màu cờ sắc áo của đất nước, vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước”.
Trong khuôn khổ chương trình Khởi nghiệp 2013, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai, Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi tổ chức chương trình Giao lưu và Đào tạo Khởi nghiệp dành cho các bạn thanh niên, sinh viên, chiến sỹ tỉnh Đồng Nai tại trường Cao đẳng Sonadezi nhằm khơi dậy tinh thần nghiệp chủ và tạo cơ hội để các bạn thanh niên, sinh viên, chiến sỹ được gặp gỡ, giao lưu với các doanh nhân thành đạt và lắng nghe những chia sẻ về kỹ năng khởi nghiệp từ các chuyên gia.
Ông Bùi Xuân Thống Bí thư đoàn TNCS HCM tỉnh Đồng Nai đã lên phát biểu khai mạc chương trình
Mở đầu, ông Bùi Xuân Thống Bí thư đoàn TNCS HCM tỉnh Đồng Nai đã lên phát biểu khai mạc chương trình. Trong bài phát biểu của mình, ông Thống nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các chiến sỹ bộ đội, bạn thanh niên – sinh viên, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã tới tham dự sự kiện ngày hôm nay. Ông Thống nói: "Đồng Nai là cửa ngõ của vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Đồng Nai có vị trí chiến lược trong tam giác phát triển gồm thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai. Với vị trí địa lý và đầu mối giao thông vô cùng quan trọng, Đồng Nai đã không chọn hướng phát triển mạnh về các bậc giáo dục Đại học, sau Đại học mà thực thi chiến lược hướng đến giáo dục nhân lực tương lai ngay từ cấp phổ thông trung học, với mạng lưới các trường phổ thông rộng khắp và phủ đều toàn tỉnh. Đây chính là nguồn đầu vào quan trọng và hùng hậu cho các trường Đại học – Cao đẳng của khu vực miền Đông Nam Bộ cũng như khu vực phía Nam. Mật độ dân số cao chỉ đứng hàng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh cũng là một ưu thế đã được Đồng Nai phát huy để trở thành trung tâm đào tạo thanh niên với những định hướng nghề nghiệp đa dạng, gắn liền nhu cầu nhân công, lao động thực tiễn của các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, hàng năm, Đồng Nai cung cấp một nguồn nhân lực lớn, có chuyên môn vững vàng cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh, của các địa phương trong khu vực.
Với lợi thế của một địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, đa dạng các ngành nghề, dịch vụ, những năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là lựa chọn dừng chân của hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động ngày càng hiệu quả. Đó là thành quả của chủ trương phát triển kinh tế đa dạng và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, nhằm khẳng định vị thế của một thủ phủ công nghiệp lớn nhất cả nước. Với những tiềm năng và lợi thế đó, hy vọng mảnh đất Đồng Nai sẽ trở thành nơi hội tụ nhiều cơ hội, tiềm năng để các bạn trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, tiếp bước lớp doanh nhân đi trước góp phần mang lại sự giàu có, phồn vinh, sự thịnh vượng cho địa phương, cho đất nước.
Đặc biệt, Đồng Nai còn có một lợi thế lớn về quỹ đất dồi dào, mạnh cho phát triển nông lâm nghiệp và đã có rất nhiều bạn đoàn viên thành niên đã áp dụng, đưa các ý tưởng Khởi nghiệp tưởng chỉ có trong sách vở vào thực tế, trở thành những đoàn viên thanh niên kinh doanh giỏi, sản xuất giỏi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và giải quyết công ăn việc làm lao động cho nhiều bạn đoàn viên thanh niên khác – Đó là những tấm gương sẽ được chúng ta biểu dương ngay trong chương trình hôm nay và hy vọng cũng sẽ là những điển hình tiêu biểu nhất để các bạn có thể học hỏi và Khởi nghiệp ngay từ hôm nay.
Năm nay, năm thứ 11 liên tiếp của chương trình, lần đầu tiên Chương trình giao lưu khởi nghiệp được tổ chức có sự tham dự đông đủ của các bạn thanh niên, sinh viên và cả các chiến sĩ đóng quân trên địa bàn Đồng Nai. Chúng tôi vô cùng mong mỏi chương trình hôm nay sẽ là ngọn lửa thắp sáng hơn nữa những nỗ lực vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai Chương trình này nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của thế hệ trẻ khu vực miền Đông Nam Bộ trong lĩnh vực kinh doanh. Với niềm hi vọng và tin tưởng sâu sắc vào thế hệ trẻ, với sự quan tâm đặc biệt tới các chương trình hỗ trợ thanh niên – sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp; coi việc hỗ trợ thanh niên - sinh viên và doanh nhân trẻ lập thân lập nghiệp là một chủ trương lớn, cần được coi trọng và tập trung thực hiện hiệu quả của lãnh đạo tỉnh nhà, hiện chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa bởi những hoạt động thiết thực của nhiều tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và trao đổi những kinh nghiệm của những doanh nhân đã thành đạt để thanh niên, sinh viên tự tin khi bắt đầu khởi nghiệp. Sự ra đời của CLB Khởi nghiệp tại Trường Cao đẳng Sonadezi hôm nay là một thể hiện quyết tâm, hiệu quả của sự quan tâm, chủ trương và các hoạt động thiết thực đó. ...Đoàn TNCS HCM tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ cho các bạn và vận động các cơ quan ban ngành, doanh nhân trong tỉnh cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, tạo điều kiện vật chất và tinh thần hết mức có thể cho các bạn khởi nghiệp thành công".
Tiếp lời phát biểu khai mạc chương trình của ông Bùi Xuân Thống, ông Võ Tân Thành, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh TP HCM lên phát biểu phát động tinh thần Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Thay mặt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Võ Tân Thành hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trong việc tổ chức chương trình thiết thực này đồng thời cảm ơn Tỉnh đoàn, Trường Cao Đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, CTCP D2D, CTCP Cảng Đồng Nai, CTCP Cấp nước Đồng Nai, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai và các cơ quan ban ngành đã phối hợp, đồng hành cùng chương trình.
Ông Thành nói: "Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và trên cả nước, đã có hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, phá sản, nhiều tỉnh thành địa phương sụt giảm về vốn đầu tư, về GDP, tuy nhiên, Đồng Nai vẫn giữ được vị thế của một tỉnh có GDP và đặc biệt dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn quốc.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Đồng Nai và đặc biệt là những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh nhà. VCCI mong muốn sẽ tiếp tục gắn bó, hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhằm phát huy sức mạnh kinh tế trên địa bàn tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cùng với đó, những nỗ lực ươm mầm doanh nhân thông qua Chương trình Giao lưu Khởi nghiệp như chương trình dành cho các chiến sỹ, thanh niên, sinh viên tỉnh Đồng Nai được tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi ngày hôm nay, và tới đây là các chương trình đào tạo, bắc nhịp cầu nối từ kinh nghiệm thực tiễn của các doanh nhân đi trước đến hỗ trợ tư vấn, đầu tư ở những dự án thực tế, hy vọng đây sẽ là những bước đi có ý nghĩa đóng góp trong chương trình Khởi nghiệp Tổng thể Quốc gia nhằm đào tạo và ươm mầm những sáng lập, những doanh chủ tự tạo dựng sự nghiệp kinh doanh, cũng là thế hệ doanh nhân kế tiếp của tỉnh Đồng Nai.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, VCCI đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân trong đó Chương trình Quốc gia về Khởi nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm. Đây là lần đầu tiên Chương trình Khởi nghiệp được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sonadezi với ý nghĩa hướng đến các đối tượng chiến sỹ, sinh viên, thanh niên đang có những mục tiêu khởi nghiệp hướng nghiệp hết sức cụ thể và cả những bạn sinh viên đang có kỳ vọng sẽ tiếp tục học lên liên thông Đại học trước khi chính thức khởi sự kinh doanh của riêng mình. Đặc biệt, sự có mặt của khán thính giả trong khán phòng hôm nay là chiến sỹ trung đoàn 935, lực lượng thanh niên do tỉnh Đoàn Đồng Nai lựa chọn đã cho thấy tinh thần Khởi nghiệp tại Đồng Nai nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung không chỉ khuôn hẹp trong các đối tượng sinh viên, thanh niên mà đã bắt đầu lan rộng, phủ sóng, ươm mầm mơ ước kinh doanh trong đông đảo đối tượng bao gồm cả thanh niên, bộ đội. Hy vọng, cùng với các bạn sinh viên, thanh niên, các chiến sĩ sẽ là những thế hệ doanh chủ tương lai của khu vực đất đỏ miền Đông đang dẫn đầu về phát triển công nghiệp dịch vụ, một vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia. .Sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp, doanh nhân là những hoạt động có ý nghĩa để chuỗi chương trình tổng thể về Khởi nghiệp hướng tới chiều sâu với mục tiêu cụ thể là xây dựng được đội ngũ doanh nhân trưởng thành từ “Khởi nghiệp”, hình thành những Doanh nghiệp hoạt động thực sự, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế đất nước".
Thay mặt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Đơn vị chủ trì Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, ông Võ Tân Thành chính thức phát động tinh thần Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Bước sang năm thứ 11, thông qua chương trình Khởi nghiệp, hàng vạn lượt các bạn trẻ tham gia các hoạt động giao lưu, đào tạo khởi nghiệp, gần 2.000 dự án và ý tưởng kinh doanh tham gia cuộc thi Khởi nghiệp, trong đó nhiều dự án của các bạn trẻ đã đi vào triển khai thực tế, hình thành nên các doanh nghiệp trẻ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bước sang một chặng đường mới, chuỗi chương trình tổng thể về Khởi nghiệp hướng tới chiều sâu với mục tiêu cụ thể là xây dựng được đội ngũ doanh nhân trưởng thành từ “Khởi nghiệp”, hình thành những Doanh nghiệp hoạt động thực sự, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tại chương trình, hơn 700 sinh viên và các khách mời đã chăm chú theo dõi phóng sự giới thiệu về chương trình Khởi nghiệp để hiểu rõ hơn những hoạt động của chương trình.
Không khí bắt đầu nóng lên khi chương trình bước vào nội dung chính: Giao lưu khởi nghiệp. Khách mời của buổi giao lưu là ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp; Ông Chu Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi); Ông Hồ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty D2D; Bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, Giám đốc Cty TNHH RoSA; Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Cty TNHH Nệm Thế Linh.
Chương trình Giao lưu Khởi nghiệp sẽ tập trung vào các nội dung giao lưu chính, chia sẻ về những cơ hội, kinh nghiệm và kỹ năng cần có trong hành trang Khởi nghiệp đặc biệt là các cơ hội Khởi nghiệp dành cho các bạn sinh viên, thanh niên, các chiến sĩ bộ đội đang đóng quân trên địa bàn Đồng Nai – khu vực đang dẫn đầu về phát triển Công nghiệp, Dịch vụ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mở đầu chương trình là câu hỏi của SV Nguyễn Văn Khoa, Năm 2,Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi tỉnh Đồng Nai gửi chị Minh Thư: Đề tài năm 2008 của chị được ban giám khảo đánh giá rất cao, vậy đề tài đó có khó khăn gì và chị giải quyết khó khăn ra sao?
Chị Minh Thư: Khi tham gia chương trình SVKN, tôi may mắn đang học ở ĐH Lạc Hồng (Văn bằng 2), tình cờ biết được chương trình, tôi đã chủ động đi liên hệ, tôi viết trong 3 tháng và dự án được cho là khả thi. Tôi đã nhận được sự ủng hộ của báo chí vì dự án có khả năng biến thành sự thật. Lúc đó tôi vấp phải 3 khó khăn: Đây là dự án mới nhất của Đồng Nai; không có vốn; ngành nghề mới chưa có khai thác.
Được sự ủng hộ của chương trình, công ty Rosa đã hình thành, bằng 20 triệu đồng tiền thưởng, tôi đã hợp tác với trung tâm giáo dục thường xuyên và mở lớp đào tạo nghề.
Một bạn SV tên Thảo, SV năm 1 trường CĐ Y tế Đồng Nai gửi câu hỏi đến ông Hồ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty D2DThành: Trong điều kiện hiện nay, việc khởi sự và phát triển DN là rất khó, đối với chúng con việc khởi sự và phát triển DN càng khó hơn vì không có vốn và kinh nghiệm. Vậy chú có thể chia sẻ?
Ông Thành: Trước đây, trong điều kiện thời kỳ bao cấp để thành lập một DN đòi hỏi nhiều điều kiện: Lý lịch, kinh tế… nhưng khi mở cửa thị trường thì rất dễ: Chúng ta có thể xin 1 giấy phép mở DN, in cardname… nhưng lại cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, nhiều DN ra đời vài tháng rồi nghỉ, nhiều DN thua lỗ… trong điều kiện như vậy đối với các bạn SV trẻ, yếu tố đầu tiên là phải học về DN, nếu không học thì không làm được, dù có làm được thì cũng mất thời gian lâu.
Học về DN thứ nhất là học về chuyên môn, đi ngành nghề gì thì phải học giỏi ngành đó, hai là phải có kiến thức, kiến thức về quản lý, về thuế, hải quan…
Bản thân tôi học trường ĐH Tài chính kế toán TP HCM, ra trường năm 1987, trong lớp tôi học bình thường nhưngcó nhiều bạn xuất sắc, nhiều bạn trời phú cho khả năng học giỏi, nhưng sau gần 30 năm tôi hiện đang là người dẫn đầu của lớp, vì tôi đã tự học sau đại học. Hiện có nhiều bạn học thạc sỹ xong ra không làm được việc là bình thường. Quan trọng là học về chuyên môn và học bổ sung các lớp về DN ngắn ngày, lớp quản lý DN, học về báo cáo tài chính...
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Cty TNHH Nệm Thế Linh.nhận được câu hỏi: Anh có thể cho biết dự án kinh tế nào góp phần tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai hiện nay không?
Ông Phạm Thế Linh: Công ty của tôi là một DN nhỏ của Đồng Nai trưởng thành trong thời kỳ phát triển của đất nước nên tôi sẽ chia sẻ thật.
Sản phẩm chính mà công ty chúng tôi sản xuất là chăn ga gối nệm, ban đầu chỉ có 5-7 công nhân, tôi đóng nhiều vai trò; Là marketing, là công nhân, là chủ. Sau 8 năm phát triển, hiện chúng tôi đã có mạng lưới phân phối đến hơn 800 đại lý, doanh thu gần 100 tỷ đồng vói hơn 100 công nhân, trong 8 năm đó bất chấp suy thoái kinh tế thì cty chúng tôi vẫn đạt được tăng trưởng. Điều đó không phải do công ty chúng tôi có chiến lược tốt mà còn phải có nhiều yếu tố tác động.
Năm 2006 tôi từ Nam Định vào TPHCM. Tôi phải làm công việc chân tay để nuôi sống bản thân, gần 1 năm phụ hồ, gần 1 năm làm quán nhậu rồi trồng rau, tiếp thị, nhưng bản thân tôi luôn khao khát phải vươn lên. Tôi vào Đồng Nai với một ý chí là khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội để làm chủ. Sản phẩm đầu tiên tôi làm là sản xuất tấm trùm của trẻ con nhưng tôi cải tiến lớn hơn dành cho người lớn. Ban đầu bán không được vì khách hàng chê mới, nên tôi phải mang ra đường (chỗ đèn xanh đèn đỏ) để bán, đầu tiên xấu hổ tôi ngồi cách xa sản phẩm 2-3m, dần dần thành quen. Sau 1 tháng tôi thuê 5 người bán. Sản phẩm đó không thành công và sau 1 năm khởi nghiệp tôi nợ 50 triệu đồng. Tôi thất bại vì đó là sản phẩm mới, công nghệ lạc hậu. Sau thất bại, tôi đặt ra một câu hỏi là nếu quay lại làm công nhân thì rất là khó khăn vì số nợ 50 triệu. Từ ý nghĩ đó, tôi hình thành ý tưởng là sản phẩm ai cũng phải xài thì mới bán được, sản phẩm đó có công nghệ tương đối đơn giản vì mình không có tiền, vốn ít. Sau thời gian thì tôi nghiên cứu ra sản phẩm gối nhỏ, nhưng khi bán ngoài thị trường rất khó khăn. Tôi có một cái xe máy 3 triệu, có lúc đi mua nguyên vật liệu tôi phải cầm xe lấy 2 triệu. Cứ kiên trì như vậy, một thời gian sau, sản phẩm có chất lượng của tôi đã được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, tôi đã tiếp cận công nghệ làm nệm, sau đó là làm ga và hiện nay đã có đủ bộ: chăn- ga- gối- nệm.
Từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, tôi kết luận, có 3 yếu tố quyết định thành công: Có niềm tin là mình sẽ thắng; Luôn luôn lắng nghe và học hỏi, cụ thể mỗi lần không bán được sản phẩm thì tôi vào siêu thị, hiệu sách tôi đọc vì cuộc sống trước đó quá nghèo khổ nên tôi phải cố gắng học hỏi để kinh doanh kiếm tiền.
Hiện nay, không cần phải kinh doanh những thứ lớn lao mà chỉ cần tập trung vào những sản phẩm nhỏ, có lợi thế cạnh tranh ở Biên Hòa hoặc cả nước, những sản phẩm như cà phê, cacao có lợi thế cạnh tranh toàn cầu, thay vì chúng ta sản xuất xuất khẩu thô, thì chúng ta chế biến rồi mới xuất khẩu.
Một câu hỏi được gửi đến ông Phạm Ngọc Tuấn- Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Từ khi khởi nghiệp tới nay đã có những dự án nào của các bạn SV thành công. Xin ông giới thiệu những dự án đó?
Ông Phạm Ngọc Tuấn: Trải qua 2 năm khởi nghiệp chúng tôi đã làm được nhiều việc. Trong 2 năm vừa rồi so với giai đoạn trước thì tôi nghĩ là chúng ta đang rơi vào khó khăn kinh tế nên thu hoạch của chương trình phần nào có giảm so với những năm trước đây, nhưng trên thực tế chúng tôi lại đạt hiệu quả về đào tạo, kết nối và đã giúp cho nhiều bạn trẻ gặp gỡ kết nối với các DN và trở thành DN hoặc trợ lý cho sự phát triển DN.
Về cụ thể, chúng tôi sẽ công bố trên cổng thông tin điện tử sau một giai đoạn tổng kết. Các bạn cũng có thể theo dõi thông tin và các dự án đã thành công, được đưa vào triển khai trong thực tế thông qua cổng thông tin điện tử của chương trình www.khoinghiep.org.vn.
Để trả lời cho câu hỏi: Học khoa công nghệ ô tô với tay nghề yếu thì liệu chúng tôi có xin được việc làm trong các DN ô tô hay không? Ông Chu Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) nói: Hiện nay Sonadeze có 11 khu, và 1 khu tại Bà Rịa- Vũng Tàu và các khu dân cư tiêu biểu.
Tôi không rành về ngành ô tô, tuy nhiên làm giàu không thể bằng tay trắng được mà cần có một khát khao, bằng sự giúp đỡ của bạn bè của anh em thì sẽ làm được. Hiện không phải chúng ta tự sản xuất một sản phẩm rồi đem đi bán mà tư duy đã thay đổi. Điều quan trọng hơn cả là bạn cần phải biết thị trường cần cái gì,
Ví dụ, ngay tại Biên Hòa có một người rất thành công. Đó là hột vịt lộn Thu Hà rất ngon, mặc dù hột vịt lộn không khó kiếm, vốn ít nhưng tại sao họ lại thành công còn người khác thì không thành công. Chúng ta cần phải tìm hiểu điều đó với sự quyết tâm, với sự trợ giúp của bạn bè cũng như của chương trình thì tôi hy vọng bạn sẽ thành công.
Tiếp lời ông Sơn, ông Tuấn cho rằng: Nếu bạn thành lập một DN nhỏ liên quan tới dịch vụ cho ngành ô tô thì chúng tôi có thể hỗ trợ được. Cái chúng tôi trợ giúp bạn nhiều nhất thông qua chương trình không phải là vốn, kinh nghiệm mà chúng tôi sẽ cùng bạn xây dựng ý tưởng kinh doanh. Ví dụ bạn Thư tới với chúng tôi năm 2008, ngày đó, giống như các bạn đang ngồi đây, bạn Thư còn rất bỡ ngỡ . Nhưng sau đó bạn đã đạt giải nhất cuộc thi. Như anh Linh nói dù trải qua nhiều sản phẩm nhưng cuối cùng đã thành công vì chọn được sản phẩm mà nhiều người thích. Nếu bạn có ý tưởng kinh doanh thì hãy tìm tới chúng tôi.
Khi Rosa đạt giải thưởng, cả nước biết tới thì được rất nhiều người ủng hộ. Quan trọng nhất là phải có ý tưởng tốt, ý tưởng độc đáo và có tính cạnh tranh cao. Chúng tôi sẽ kết nối được các bạn với DN, ví dụ anh Trần Bá Dương là một DN thân thiết của DĐDN trong nhiều năm nay, khi đó các bạn có thể trở thành nhà thầu phụ của anh Dương chẳng hạn.
Bạn Bùi Trí Dũng, khoa quản trị kinh doanh hỏi: Chúng em là sinh viên, để khởi nghiệp rất khó khăn, em có thắc mắc: hiện có nhiều trung tâm đào tạo nhưng khi ra trường phải làm trái nghề, có người thành cũng có người thất bại?
Ông Sơn: Vừa rồi trong kỳ thi tuyển sinh nhà nước hạn chế ngành nghề tài chính kế toán, khuyến khích học sinh học các trường nghề. Tuy nhiên việc điều chỉnh của nhà nước là một chuyện, còn quan trọng là ở học sinh. Thông thường phụ huynh hướng con em đi theo ngành nghề họ muốn. tuy nhiên cũng có những người thành công với con đường rẽ ngang, ví dụ bạn tôi học bách khoa nhưng lại làm bác sỹ rất giỏi. Có thể lúc chọn một phần là do gia đình, một phần bạn bè xui nên đi học. Vì vậy mà không được đứng núi này trông núi nọ, thấy bạn học khá quá nên chuyển qua nhưng mình làm sao bằng bạn được, trời phú cho mỗi người một khả năng khác nhau.
Bạn chọn ngành nghề nào thì phải cố yêu ngành đó, nếu không yêu nó thì cũng phải có định hướng, tránh trường hợp đứng núi này trông núi nọ.Quyết định dúng ngành bạn chỉ mất 4 năm đại học, thay vì mất mười mấy năm học cái này nhảy cái kia.
Ngồi đây tôi nghĩ phần lớn là làm trái ngành, tôi cho rằng chúng ta không chọn nghề mà nghề chọn chúng ta nên nếu có tố chất gì đó thì chúng ta hãy học và làm. Tôi lấy ví dụ, bạn học về may nhưng không phải bạn chỉ biết về may, mà cần có tư duy, phương pháp làm việc khác nữa thì chúng ta vẫn thành công. Tôi nghĩ, các bạn không nên lệ thuộc vào chính con đường mà các bạn đã chót lựa chọn. Tôi được tiếp xúc với nhiều bạn ở binh đoàn 11, quân khu Thủ đô, chúng tôi đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, nên chúng tôi cũng mong các bạn bộ đội mạnh dạn khởi nghiệp chúng tôi sẽ rất sẵn sàng hỗ trợ.
Anh Nguyễn Đình Qúy, đang đóng quân trung đoàn 135, Biên Hòa Đồng Nai: Ngoài chức năng bảo vệ tổ quốc, chúng tôi còn chức năng làm kinh tế, ở đơn vị tôi có đồng chí làm nghĩa vụ xong thì làm kinh tế trên địa bàn Đồng Nai. Tôi mạnh dạn đặt câu hỏi với ông Sơn, thưa ông, là một ngườii lãnh đạo, ông tiếp xúc nhiều với các DN đầu tư vào đây. Theo ông DN nên đầu tư vào lĩnh vực gì trên địa bàn Đồng Nai?
Ông Sơn: Đồng Nai là sân chơi lớn và tạo nhiều cơ hội cho DN, cho người dân, tại khu công nghiệp của chúng tôi hiện có nhiều DN có vốn đầu tư lớn hơn 100 triệu USD, ví dụ DN xuất khẩu mạch vi tính đầu tư 120 triệu USD và mỗi ngày xuất 2 triệu USD, nhưng cũng có những DN quy mô nhỏ hơn.
Ở Đồng Nai có nhiều cơ hội cho bộ đội giải ngũ, không chỉ làm bảo vệ mà làm nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn phòng rất có uy tín và họ làm tốt. Hiện nay trong các khu công nghiệp của Sonadeze có 585 DN có vốn đầu tư nước ngoài nên các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc và làm việc với họ. Nếu các bạn có ngoại ngữ, giao tiếp tốt, kiến thức tốt thì liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng kết nối các bạn với họ.
Đơn cử như tôi có đứa cháu từ Bắc vào chuyên đi chiên bánh quẩy, khi nhiều người mua thì cậu ta thuê người làm, và sau này có tiền mua nhà, lấy vợ. Bản thân tôi, ngày trước khó khăn tôi cũng đi làm sữa đậu xanh, sau đó mới vào làm cho Sonadeze, khi làm sữa đậu xanh tôi có 2 bằng đại học bỏ túi, và sau này ngành đó vẫn nuôi sống được những đứa cháu của tôi. Không phải bắt đầu từ một công việc cao siêu mà quan trọng công việc đó cho mình thu nhập là có thể bắt đầu khởi nghiệp được.
Em Nguyễn Thành Lập, sinh viên năm cuối Sonadezi có thắc mắc: Khi chưa trở thành 100 DN hàng đầu Việt Nam về nệm thì anh làm gì để cạnh tranh? Xin anh chia sẻ bài học kinh nghiệm?
Ông Linh: Thứ nhất phải có nhận thức làm DN trường tồn hàng trăm năm; Thứ hai phải sản xuất ra sản phẩm đuợc người tiêu dùng chấp nhận.Thứ ba, sản phẩm phải có sự khác biệt.
Thời điểm 2007, đi bán hàng bằng xe máy, tôi có bộ hàng mẫu trên người, cứ gặp cửa hàng nào tôi cũng ghé, có người đuổi xua tay luôn, nhưng 10 người thì có 2 người thiện chí mua. Trong lúc đó chưa có vốn nhiều nên tôi yêu cầu khách hàng trả tiền mặt. Tới giờ tôi tự hào là một trong những công ty có thu hồi tiền mặt lớn, chúng tôi có hàng trăm tỷ doanh thu mỗi năm nhưng nợ đọng chỉ có hơn 10 triệu.
Theo tôi, phải thu được tiền mặt; không làm giàu bằng mọi giá, sản phẩm phải bán đúng giá trị; phải có tinh thần tôn trọng đúng pháp luật, đảm bảo đóng thuế, bảo hiểm xã hội. Chưa bao giờ chúng tôi nợ bảo hiểm xã hội quá 2 tháng, tăng lương cho người lao động...Trong thời buổi khó khăn, sau 7 năm tôi nhìn nhận ra chu kỳ phát triển gần như đứng lại, tôi mạnh dạn thuê công ty tư vấn Win Win, và thời điểm đầu năm 2013 chúng tôi ký một hợp đồng gần 1 tỷ đồng và tới giờ quý 3 dự kiến sẽ tăng trưởng 30%.
- Bạn Nguyễn Ngọc Anh, Đoàn viên huyện Nhơn Trạch: Tôi làm bún gạo nhưng thời gian vừa qua trước thông tin Sở Công thương, Sở Y tế TP HCM công bố phát hiện chất gây bệnh trong bún gạo khiến sản phẩm bán không được. Mặc dù, tôi đã đi khắp nơi xét nghiệm, xin cấp giấy phép nhưng người dân vẫn không tin. Cơ sở sản xuất của tôi gần khu công nghiệp lớn, chỉ cần mỗi DN lấy 100 ký bún thì mỗi ngày sẽ có nhiều tấn bún cung cấp cho các Khu công nghiệp. Vậy tôi phải làm thế nào, thủ tục ra sao để có thể đưa bún thâm nhập vào các khu công nghiệp, và tôi phải làm gì để mở rộng sản xuất tạo việc làm cho người lao động?
Ông Linh: Bạn hãy cam kết với người tiêu dùng về sản phẩm của bạn, có thể bồi thường 20 triệu- 50 triệu đồng nếu xảy ra trường hợp ngộ độc và bạn phải đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm bên Cục VSATTP và Sở Y tế; Bạn phải tự đi tìm thị trường, trong số 100 người thì chỉ cần 1- 2 người trở thành thị trường truyền thống cho mình; Phải cam kết chất lượng sản phẩm của bạn theo yêu cầu của thị trường; Phải có mẫu mã thu hút người tiêu dùng.
Để thành công trong kinh doanh, các bạn phải tự tìm hiểu thị trường, tự làm công tác marketing và bán hàng. Nhân đây tôi kể câu chuyện của công ty, vừa rồi tôi có đăng tin tuyển dụng, trong vòng 3 ngày nhận được 40 bộ hồ sơ trong khi công ty chỉ tuyển 2 vị trí marketing. Khi phỏng vấn, tôi nói với các ứng viên là nếu muốn được tuyển chọn thì các em phải tự đi làm marketing bằng cách đi thực tế tìm hiểu thị trường. Thế nhưng, sau khi phỏng vấn 20 em thì có tới 19 em sợ đi thị trường. Đó là điều bức xúc lớn đối với tôi, vì DN rất cần người nhưng lại khó tuyển người do các em không chịu vất vả. Các em học đại học cứ nghĩ ra trường phải ngồi máy lạnh làm việc nhưng DN lại cần những người chịu khó lăn lộn với thực tế. Sau đó, tôi hạ điều kiện tuyển dụng, chỉ tuyển các em trình độ phổ thông thì thấy họ làm rất tốt. Cho nên, tôi nhận ra rằng, bằng cấp đại học không quá quan trọng và không giúp được nhiều cho DN. Tôi khuyên sinh viên, trước khi làm người bán hàng thì chính các em phải tự tìm hiểu thị trường.
Ông Tuấn chia sẻ: Đầu tháng tới chúng tôi làm một chương trình Trái tim Việt. Mục đích của chương trình là dùng công cụ truyền thông để tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm bảo vệ giống nòi. Theo đó, chúng tôi sẽ liên kết với 17 Viện Vệ sinh An toàn Thực phẩm của cả nước và hàng tháng sẽ công bố chất lượng của sản phẩm cho các DN. Nếu bạn có nhã ý thì DN của bạn sẽ là DN đầu tiên được dán nhãn Trái tim Việt trên sản phẩm bún gạo.
Câu hỏi dành cho ông Thành: Là DN thành công về bất động sản, theo kinh nghiệm của chú thì chúng con có nên nhảy vào bất động sản không? Phân khúc thị trường nào dành cho chúng con khi mới khởi nghiệp?
Ông Thành: D2D từ 5 năm nay không biết vay ngân hàng 1 xu nào, các ngân hàng tới chúng tôi chỉ là để gửi tiền. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, chúng ta phải biết xác định đúng đường đi.
Mặc dù trước đây chúng tôi thua Thuduc house, nhưng hiện nay đã hơn Thuduc House và chỉ thua Hoàng Anh Gia Lai thôi, năm vừa rồi doanh thu bất động sản của chúng tôi đạt hơn 200 tỷ đồng. Nếu kinh doanh bất động sản bằng vốn vay ngân hàng với lãi suất 20-30% thì chỉ sau 5 năm chắc chắn chúng ta sẽ phải bỏ chay hoặc vỡ nợ. Do đó, kinh doanh bất động sản phải liệu cơm gắp mắm và phải có liên doanh liên kết với các lĩnh vực khác để bổ trợ cho nhau.
Tôi nghĩ các bạn nên kết hợp với các kỹ sư nông nghiệp để ươm cây xanh cung cấp cho các khu công nghiệp sẽ rất tốt vì không mất vốn nhiều. Tuy nhiên để làm được điều đó thì các bạn phải có đam mê, có mối quan hệ tốt, phải kiên định mục tiêu, đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn.
Cả hội trường đã nóng lên với hơn 1 tiếng đồng hồ trong phần giao lưu khởi nghiệp với rất nhiều nội dung hữu ích và ý nghĩa. Với những điều còn thắc mắc, trăn trở, các bạn sinh viên có thể gửi câu hỏi về cho các vị khách mời giao lưu theo địa chỉ: Ban Thư ký Chương trình Khởi nghiệp- Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Tầng 5, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội; Cổng thông tin Khởi nghiệp www.khoinghiep.org.vn; Email: khoinghiep@dddn.com.vn; Đường dây nóng: 0969.005.666
Nhận được những câu hỏi này, Ban tổ chức và các vị khách mời giao lưu sẵn sàng giải đáp những thắc mắc đó. Chắc chắn đây sẽ là những chia sẻ bổ ích, giúp thế hệ trẻ lập nghiệp một cách tự tin, vững vàng hơn khi rời ghế nhà trường.
Sau phần giao lưu, ông Võ Tân Thành, Phó Tổng Thư ký VCCI thay mặt Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp đã tặng hoa cảm ơn các vị khách mời trong buổi giao lưu.
Việc tham gia đồng hành cùng chương trình Khởi nghiệp 2013 ngày hôm nay của CTCP D2D Vietinbank Đồng Nai, Công ty Cấp nước Đồng Nai, Công ty Cảng Đồng Nai, Công ty Vedan là một minh chứng cho tinh thần của các doanh nghiệp đi trước, thành công không chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn không quên đỡ đầu, hỗ trợ, đồng hành cùng các thế hệ doanh chủ tương lai.
Để ghi nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đã đồng hành cùng chương trình Khởi nghiệp; ông Võ Tân Thành – P. Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh Tp HCM thay mặt Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp đã trao giấy chứng nhận và hoa cho ông Nguyễn Xuân Đình – Tổng giám đốc Công ty D2D, ông Bùi Đức Trình – giám đốc Vietinbank Đồng Nai, đại diện Công ty Cấp nước Đồng Nai, đại diện Công ty Cảng Đồng Nai - các đơn vị đã đồng hành cùng chương trình Khởi nghiệp.
Đồng Nai không chỉ là một trong những tỉnh đi đầu về công nghiệp, dịch vụ mà với thế mạnh của một vùng đồng bằng xen kẽ các bình nguyên, có quỹ đất phì nhiêu mạnh cho phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai đang quy tụ nhiều thanh niên giỏi việc nước, giỏi làm kinh tế nông nghiệp-nông thôn kiểu mẫu và hiện đại. Để ghi nhận những đóng góp về khởi nghiệp từ chính thế mạnh của mảnh đất mình đang sống, năm 2013, Tỉnh đoàn Đồng Nai và báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp bình chọn Thanh niên làm Kinh tế giỏi Tỉnh Đồng Nai với các mô hình phát triển, làm kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà và mở lối cho hoạt động khởi sự kinh doanh đối với những thanh niên gắn bó cùng nông nghiệp – nông thôn.
20 thanh niên làm kinh tế giỏi, có sáng kiến mới trong làm kinh tế, với doanh thu mỗi mô hình tối thiểu cho 150 triệu đồng/ năm đã được Tỉnh đoàn và báo Diễn đàn Doanh nghiệp bình chọn vinh danh trong đợt này đã lên sân khấu để nhận Bằng khen và phần quà do nhà tài trợ là NH Công Thương VN chi nhánh Đồng Nai trao tặng. Hy vọng, đây chính là những tấm gương khởi nghiệp thực tiến và gần gũi nhất để các bạn sinh viên, thanh niên, các chiến sĩ bộ đội có thể noi theo.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, TBT báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Thống thư tỉnh đoàn Đồng Nai, ông Bùi Đức Trình – giám đốc Vietinbank Đồng Nai lên trao quà cho 20 bạn vừa được vinh danh.
Với chủ đề Ươm mầm doanh nhân Việt ngày hôm nay, có thể nói Chương trình Khởi nghiệp như là một vườn ươm và mỗi mùa Khởi nghiệp là một mùa gieo hạt, để từ đó rất nhiều ý tưởng, dự án kinh doanh của thế hệ trẻ được hiện thực hóa. Nhưng những hạt giống đã gieo trong những mùa Khởi nghiệp, nếu không được ươm trồng, chăm sóc, có lẽ cũng không dễ trở thành những mầm cây, ra hoa, kết trái. Cộng đồng xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền và lớp doanh nhân đi trước chính là những người đã đồng hành cùng sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Chương trình Giao lưu Khởi nghiệp hôm nay ghi nhận sự đồng thuận và hỗ trợ nhiệt thành của Trường Cao đẳng Sonadezi đối với chương trình. Các bạn đoàn viên thanh niên Trường Cao đẳng Sonadezi đã có cam kết gắn bó với chương trình Khởi nghiệp, không gián đoạn tinh thần và các hoạt động Khởi nghiệp.
Để hiển thị cho cam kết đó, được sự chấp thuận của Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp, các thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng Sonadezi quyết tâm lập CLB Khởi nghiệp – là sân chơi để các bạn thanh niên, sinh viên của Trường nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung có thể sinh hoạt, trao đổi và học tập các khóa đào Khởi nghiệp một cách bài bản nhất.
Tại Lễ ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp Trường Cao Đẳng Sonadezi, ông Lưu Phước Dũng - Hiệu trưởng Trường CĐ Sonadezi đã lên đọc quyết định thành lập CLB Khởi Nghiệp. Tiếp đó, Ban chủ nhiệm CLB ra mắt trước đông đảo quý đại biểu, sinh viên, thanh niên và bộ đội tỉnh nhà.
Ban chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Trường Cao Đẳng Sonadezi gồm cô Nguyễn Thị Mai Chi, Giảng viên Khoa Quản trị Trường Cao đẳng Sonadezi- Chủ nhiệm CLB. Các thành viên Ban chủ nhiệm CLB gồm sinh viên Phan Hoàng Anh, lớp K7 Quản trị 1; SV Ngô Trí Quang, K7QT1, Trần Thị Đinh Thảo K7 QT2, Phan Thị Ly K7 QT2, Nguyễn Duy Dũng K8 QT2,Nguyễn Đăng Khoa K8QT2 và Ngô Thị Thảo Uyên K8 QT2.
Để tạo điều kiện cho CLB có những bước hoạt động đầu tiên mang tính nền tảng và thiết thực nhất, nhân dịp này, BTC Chương trình Khởi nghiệp đã dành một phần quà tặng gửi đến CLB, đó là một suất đào tạo giảng viên nguồn Khởi sự Kinh doanh. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng tặng Trường Cao đẳng Sonadezi– đơn vị đã phối hợp thực hiện chương trình Giao lưu Khởi nghiệp cùng báo Diễn đàn Doanh nghiệp và đại diện các Trường, Trung đoàn 935 đã tham gia giao chương trình hôm nay mỗi đơn vị một suất đào tạo giảng viên nguồn Khởi sự Kinh doanh để đào tạo lại cho các bạn sinh viên có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp.
Ông Phạm Duy Doanh, Trưởng ban Tổ chức Khởi nghiệp phía Nam và thầy Nguyễn Trường Sơn, giảng viên cao cấp ILO đã lên trao phần quà cho đại diện các đơn vị.
Một trong những nội dung rất quan trọng được nhiều bạn trẻ nóng lòng chờ đợi, là được học hỏi những kỹ năng khởi nghiệp một cách ngắn gọn, cụ thể bởi trong số hơn 700 bạn trẻ ngồi đây ngày hôm nay có lẽ cũng không ít bạn có niềm đam mê kinh doanh, có tố chất doanh nhân và mong muốn được Khởi nghiệp, bằng sức sáng tạo của tuổi trẻ, bằng bàn tay, khối óc cùng niềm đam mê kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng.
Vậy các bạn trẻ cần trang bị những kỹ năng gì khi Khởi nghiệp. Để trả lời câu hỏi này, thầy Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên Cao cấp thuộc Tổ chức ILO đã chia sẻ về những kỹ năng đó.
Thầy Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về những bước khởi nghiệp và làm thế nào để đưa ra những bước thực tế từ khi đưa ra dự án tới khi khởi nghiệp?
Theo thầy Sơn, có 2 việc cần làm trước khi xây dựng đề xuất dự án là tìm hiểu thông tin chương trình khởi nghiệp 2013 (thể lệ chương trình và mẫu đăng ký); Tìm ý tưởng cho dự án.
Chương trình khởi nghiệp năm 2013 cần quan tâm tới những vấn đề: Tính mới, sáng tạo của ý tưởng; Tính thực tiễn, tác động tốt đến thành viên/ xã hội; Khả năng bền vững và nhân rộng; Nền tảng/ kinh nghiệm của người đề xuất trong triển khai và quản lý dự án; Năng lực của người đề xuất trong việc quản lý dự án cụ thể này.
Sinh viên trao đổi 'nóng" cùng PV Báo Diễn đàn DN
Theo thầy Sơn, một đề xuất dự án tốt bắt đầu từ một ý tưởng tốt; Những vấn đề, khó khăn ở địa phương, cộng đồng và xung quanh chúng ta. Theo đó, một ý tưởng kinh doanh tốt cần có 2 yếu tố cơ bản: Cơ hội thị trường và tổ chức đề xuất ý tưởng phải có kiến thức kỹ năng và nguồn lực để thực hiện ý tưởng đó. Như thế, nếu ý tưởng chỉ trên giấy thì không phải là ý tưởng tốt.
Thầy Sơn cho rằng, chương trình khởi nghiệp ở Đồng Nai không chỉ mới bắt đầu bằng 20 sản phẩm này mà thực ra đã được làm từ năm 2005 với nhiều dự án thành công nhận được sự khích lệ của chính quyền tỉnh cũng như của các DN đồng hành.
Đối với dự án khởi nghiệp, ban tổ chức quan tâm nhất tới 2 yếu tố đó là tính sáng tạo của dự án và tính ảnh hưởng của dự án.
Cuối cùng, thầy Sơn đưa ra 10 bước khởi sự DN: Đánh giá bản thân với tư cách chủ DN; Tìm kiếm và phân tích ý tưởng kinh doanh; Ước tính vốn khởi sự; Tìm hiểu khách hàng; Phân tích đối thủ cạnh tranh; Lập kế hoạch 4P Marketing; Ước tính lượng hàng bán ra (doanh số); Tính được chi phí, định giá; Lập kế hoạch doanh thu- chi phí; Lập kế hoạch lưu chuyển tiền mặt.
Ông Phạm Duy Doanh trao 10 phần quà dành cho 10 câu hỏi giao lưu hay nhất
Những chia sẻ, hướng dẫn của Thầy Nguyễn Trường Sơn thực sự là những kinh nghiệm rất quý báu trong hành trang Khởi nghiệp của các bạn trẻ. Rất nhiều bạn trẻ đã giở sổ tay ghi chép các phần hướng dẫn của diễn giả. Đáng chú ý là sau khi phần hướng dẫn đào tạo kết thúc, nhiều bạn trẻ đã lập tức vây quanh diễn giả - giảng viên đào tạo và trực tiếp đặt các câu hỏi tỷ mỉ, chi tiết. Một số bạn thậm chí còn đưa ra các ý tưởng để lập dự án vốn đã ấp ủ trước khi đến tham gia chương trình Giao lưu, để tranh thủ được diễn giả hướng dẫn cụ thể. Có thể nói, đây là một trong những phần khá đặc sắc và khác biệt của chương trình giao lưu Khởi Nghiệp, so với nhiều chương trình khác, có ý nghĩa thiết thực đối với các bạn trẻ đang loay hoay với những cách lập dự án và chưa biết nên bắt đầu từ đâu.
Một tiết mục văn nghệ của các chiến sĩ Trung đoàn 935
Kết thúc chương trình là 10 phần quà dành cho 10 câu hỏi giao lưu hay nhất. Mỗi phần quà được trao là 1 suất học trong 1 tháng, trị giá 1,5 triệu đồng tại Cty RoSA.
Sau gần 4 giờ đồng hồ sôi động, Chương trình Giao lưu khởi nghiệp 2013 tại Đồng Nai đã khép lại nhưng tinhthần và khát vọng tuổi trẻ hừng hực từ buổi Khởi nghiệp hôm nay sẽ thắp lên ngọn lửa quyết tâm để sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và sinh viên của miền Đông Nam Bộ nói riêng nắm bắt được những ý tưởng, cơ hội khởi sự doanh nghiệp ngay từ bây giờ làm hành trang lập nghiệp, giúp họ vững vàng tiến bước trong tương lai.
Thu Hiền cùng nhóm PV Diệu Oanh- Nguyễn Thành (thực hiện)