(DĐDN) - Ngày 27/10, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các Quận đoàn, Quận đội TP tổ chức Chương trình Giao lưu khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Giao lưu khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên TP Hồ Chí Minh nằm trong khuôn khổ Chương trình tổng thể về Hỗ trợ Khởi nghiệp năm 2013.

 Đúng 7h30, chương trình bắt đầu bằng các tiết mục văn nghệ đặc sắc của sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tham dự chương trình có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Trưởng ban Tổ chức chương trình Khởi nghiệp;  Ông Võ Tân Thành, P.Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp;  Ông Phạm Duy Doanh, Trưởng cơ quan đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban Tổ chức phía Nam;  Ông Lê Ngọc Trung - Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ Công thương; Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win Win – Trưởng Ban Kiểm soát Hội Doanh nhân trẻ TP HCM; Ông Lê Quang Phúc, Trưởng Đại diện Báo Công thương; Ông Lương Mai Em, Giảng viên Cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế ILO;  Tiến sỹ Thái Hữu Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng- Thạc sỹ Phạm Nhất Phương, P.Trưởng phòng công tác sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, Bí Thư đoàn – Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng đại diện doanh nghiệp, doanh nhân, đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự hiện diện của hơn 700 sinh viên,  tại các trường đại học, cao đẳng, thanh niên tại các quận đoàn, Ban chỉ huy quân sự và các chiến sỹ Quận đội  Quận 4, Quận 7 đóng quân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Các khách mời tại chương trình: (từ trái qua phải)- Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phúc Sinh; ông Nguyễn Hoài Nam, P.TGĐ Viet Capital Bank; TS Thái Hữu Tuấn, P.Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng; ông Phạm Gia Túc, P.Chủ tịch VCCI; ông Võ Tân Thành, P.Tổng thư ký VCCI 

Được khởi xướng và chủ trì bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp VN VCCI, chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã ra đời và chính thức bắt đầu từ năm 2003. Chương trình do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thường trực tổ chức kể từ đó đến nay đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương trên toàn quốc. Vì vậy, việc triển khai công tác hỗ trợ, đào tạo giúp các bạn trẻ có thể giao lưu, học hỏi và tìm ra con đường lập nghiệp cho riêng mình đã gặt hái được nhiều kết quả. Năm 2013, ngoài hoạt động Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được triển khai trên toàn quốc nhằm tăng cường khả năng hiện thực hóa dự án kinh doanh thông qua phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo, tư vấn, đầu tư… hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong khuôn khổ chương trình Khởi nghiệp 2013, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức chương trình Giao lưu Khởi nghiệp dành cho các bạn thanh niên, sinh viên, thanh niên khu vực Tp HCM tại trường Đại học Tôn Đức Thắng nhằm khơi dậy tinh thần nghiệp chủ và tạo cơ hội để các bạn thanh niên, sinh viên, chiến sỹ được gặp gỡ, giao lưu với các doanh nhân thành đạt và lắng nghe những chia sẻ về kỹ năng khởi nghiệp từ các chuyên gia.

Mở đầu chương trình, Tiến sỹ Thái Hữu Tuấn, Phó Bí Thư Đảng ủy, Phó  Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã lên đọc bài  phát biểu chào mừng. Trong bài phát biểu của mình, Thạc sỹ Thái Hữu Tuấn nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các chiến sỹ bộ đội,  thanh niên – sinh viên, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã tới tham dự sự kiện ngày hôm nay. 

Tiến sỹ Thái Hữu Tuấn, P.Bí thư Đảng ủy, P.Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng phát biểu chào mừng

Ông Tuấn nói: "Hôm nay, tôi rất phấn khởi khi Trường ĐH Tôn Đức Thắng được mời phối hợp tổ chức một chương trình có ý nghĩa xã hội với tham dự của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và đặc biệt rất đông đảo của các thanh niên, sinh viên tới từ nhiều tỉnh thành trong khu vực đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP HCM.

 TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước. Thành phố cũng là một trung tâm đào tạo hàng đầu với hàng trăm trường Đại học – Cao đẳng đang đóng trên địa bàn. Hàng triệu thanh niên - sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, CĐ, THCN và dạy nghề, hằng năm, các cơ sở đào tạo của TP Hồ Chí Minh đã cung cấp một lượng lớn thanh niên, lao động có tri thức, có tay nghề cho các cơ quan, doanh nghiệp của TP và các địa phương trong khu vực. Mỗi năm, thành phố có hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh, cũng như đã kinh doanh và đi vào hoạt động hoạt động hiệu quả từ những niềm đam mê kinh doanh ngay khi còn trẻ. Trong những năm qua, với chủ trương phát triển kinh tế đa dạng và  chính sách thu hút đầu tư cởi mở, TP Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và đang trở thành mảnh đất nhiều cơ hội, giàu tiềm năng để cho các bạn trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung, mặc dù số lượng DN làm ăn, kinh doanh gặp khó khăn, phải đóng cửa, phá sản, đình trệ có tăng lên nhưng bên cạnh đó và đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, số lượng các DN bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại, lượng đăng ký DN mới tăng lên đã và đang là tin vui cho sự phát triển – kinh tế xã hội của thành phố đầu tàu năng động.

 Chúng tôi vui mừng được biết, chương trình Khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Bộ Ngoại giao cùng nhiều bộ ngành khác phối hợp thực hiện đã bước sang năm thứ 11, chương trình đã được mở rộng có nhiều bước phát triển mới, hỗ trợ ngày càng toàn diện, hiệu quả cho các ý tưởng, dự án kinh doanh của các bạn trẻ. Đến nay, Chương trình không chỉ dừng lại ở việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, mà quan trọng hơn là xây dựng một Chương trình tổng thể về hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: tư vấn, đào tạo về khởi nghiệp, tổ chức các cuộc giao lưu giữa thanh niên, sinh viên với các doanh nhân thành đạt, các sinh viên đã đoạt giải cao trong các cuộc thi; hình thành mạng lưới CLB khởi nghiệp, tư vấn hình thành dự án kinh doanh, hỗ trợ tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, tổ chức các sự kiện như ngày hội khởi nghiệp, sàn giao dịch ý tưởng, hội chợ ý tưởng kinh doanh sáng tạo, xây dựng và phát triển cổng thông tin khởi nghiệp…

 Năm nay, năm thứ 11 liên tiếp, TP Hồ Chí Minh vinh dự được chọn làm địa bàn trọng tâm để tổ chức Chương trình giao lưu khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên tới các tỉnh thành trong khu vực. Chúng tôi tin rằng đây là sự đánh giao cao những sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên địa bàn TP trong việc triển khai Chương trình này nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của thế hệ trẻ phía Nam trong lĩnh vực kinh doanh. Ở góc độ của một đơn vị tổ chức giáo dục, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói riêng và các Trường ĐH, Cao đẳng, các tổ chức giáo dục trên địa bàn nói chung luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các chương trình hỗ trợ thanh niên – sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp; coi việc hỗ trợ thanh niên - sinh viên và doanh nhân trẻ lập thân lập nghiệp là một chủ trương lớn, cần được coi trọng và tập trung thực hiện hiệu quả. Hiện chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa bởi những hoạt động thiết thực của nhiều tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và trao đổi những kinh nghiệm của những doanh nhân đã thành đạt để thanh niên, sinh viên tự tin khi bắt đầu khởi nghiệp

Với hi vọng chương trình sẽ được phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng cao tính thiết thực và hiệu quả, chúng tôi mong mỏi cộng đồng, doanh nhân sinh sống, làm việc, lập nghiệp và phát triển trên địa bàn Tp sẽ quan tâm hơn nữa đến chương trình này, phối hợp các hoạt động tổng thể hỗ trợ Khởi nghiệp qua đóng góp, tư vấn, giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ cả tinh thần vật chất để chương trình luôn gặt hái được hiệu quả tốt nhất."

Sau bài phát biểu chào mừng của Tiến sỹ Thái Hữu Tuấn, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-  Trưởng ban Tổ chức chương trình Khởi nghiệp lên phát biểu khai mạc chương trình Giao lưu – Đào tạo Khởi nghiệp  và phát động tinh thần Khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên, chiến sỹ TP HCM.

Thay mặt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Phạm Gia Túc hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trong việc tổ chức chương trình thiết thực này; đồng thời ông cũng gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đoàn TNCS HCM các Quận đoàn, Quận đội  trên địa bàn TPHCM, các nhà tài trợ  đã phối hợp tổ chức và đồng hành cùng chương trình.

Ông Phạm Gia Túc, P Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp phát biểu khai mạc và phát động tinh thần Khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên, chiến sỹ Tp HCM

Ông Túc nói: "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm qua đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân, trong đó Chương trình Quốc gia về Khởi nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm. Năm 2013, chương trình Khởi Nghiệp đã có sự chuyển hướng chiến lược, từ phát động tinh thần Khởi Nghiệp đến chú trọng các hoạt động hỗ trợ để các ý tưởng trở thành dự án Khởi nghiệp trong hiện thực. Các giải pháp chủ đạo đã và đang được Ban Tổ chức chú trọng là tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, đỡ đầu tài trợ, hỗ trợ vốn, kết nối đầu tư… giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội, CLB, thông qua các khóa đào tạo tới các dự án cụ thể, trở thành một chuỗi hoàn thiện nâng đỡ tinh thần và nỗ lực Khởi nghiệp.

 Năm nay, chương trình Giao lưu Đào Tạo, Khởi nghiệp tại TP HCM lần đầu tiên được tổ chức tại một Trường đóng trên địa bàn Quận 7 – phía Nam của TP HCM, nơi đang được mệnh danh là miền đất đô thị vàng và tăng trưởng bậc nhất của Thành phố. Được biết Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng là nơi quy tụ đến hơn 30.000 sinh viên đang theo học. Thay mặt BTC, tôi hy vọng rằng buổi giao lưu-đào tạo Khởi nghiệp hôm nay, với sự có mặt của hơn 700 các bạn sinh viên  ĐH Tôn Đức Thắng, các thanh niên quận Đoàn, quận đội  trên địa bàn TP HCM nói chung, sẽ không chỉ khuôn hẹp trong ý nghĩa một buổi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của 700 thanh niên – sinh viên với các doanh nhân đi trước, với những người đã có nhiều thành tựu trong phát triển doanh nghiệp hôm nay, mà lớn hơn, sẽ là sự lan tỏa tinh thần Khởi nghiệp và cảm hứng, đam mê khởi sự kinh doanh, mong muốn được tạo dựng sự nghiệp kinh doanh từ 700 sinh viên, thanh niên đang ngồi đây tới hàng trăm, hàng nghìn các bạn thanh niên, sinh viên khác. Sự cộng hưởng và lan tỏa tinh thần Khởi nghiệp của các bạn, chính là động lực cho chương trình Khởi Nghiệp Quốc gia phải vận động, tư duy hơn nữa, tăng cường và phát huy hết mọi khả năng kết nối, hướng đến sự đỡ đầu của các thế hệ doanh nhân đi trước với các thế hệ doanh nhân tương lai đang được ươm mầm".

  Thay mặt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Túc chính thức phát động Tinh thần Khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên, bộ đội, học sinh tại TP HCM và khai mạc chương trình Đào tạo Giao lưu Khởi nghiệp năm 2013 tại TP HCM.

 Bước sang năm thứ 11, thông qua chương trình Khởi nghiệp, hàng vạn lượt các bạn trẻ tham gia các hoạt động giao lưu, đào tạo khởi nghiệp, gần 2.000 dự án và ý tưởng kinh doanh tham gia cuộc thi Khởi nghiệp, trong đó nhiều dự án của các bạn trẻ đã đi vào triển khai thực tế, hình thành nên các doanh nghiệp trẻ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bước sang một chặng đường mới, chuỗi chương trình tổng thể về Khởi nghiệp hướng tới chiều sâu với mục tiêu cụ thể là xây dựng được đội ngũ doanh nhân trưởng thành từ “Khởi nghiệp”, hình thành những Doanh nghiệp hoạt động thực sự, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế đất nước.

 Trong buổi giao lưu khởi nghiệp ngày hôm nay, có rất nhiều các bạn thanh niên, sinh viên, chiến sỹ đều ấp ủ cho mình những dự định, những hướng đi riêng sau khi rời ghế nhà trường. Trong số đó có lẽ cũng không ít bạn có niềm đam mê kinh doanh, có tố chất doanh nhân và mong muốn được Khởi nghiệp, bằng sức sáng tạo của tuổi trẻ, bằng bàn tay, khối óc cùng niềm đam mê kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng. Để giúp các bạn trẻ chuẩn bị thật chắc chắn những kỹ năng khi khởi nghiệp, làm hành trang vững bước vào đời, ông Lương Mai Em – Giảng viên Cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế ILO – Liên Hiệp Quốc đã chia sẻ về những kỹ năng đó.

Đến với các bạn sinh viên, ông Mai Em đưa ra ba vấn đề: Tại sao chúng ta phải khởi sự kinh doanh; xây dựng tinh thần khởi nghiệp và bạn cần gì để khởi nghiệp DN của mình?

Theo ông Em, trước buổi  giao lưu sinh viên chưa hiểu lắm về chương trình sinh viên khởi nghiệp, sinh viên không nên ảo tưởng mà thực sự đến với chương trình mới chỉ là bước khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp.

Ông Em đưa ra câu hỏi: Tại sao chúng ta phải lập thân bằng khởi sự kinh doanh? Đa số sinh viên muốn học giỏi để ra đời tìm một công việc khá có thu nhập cao hơn. Vậy trong số 700 sinh viên đây có bao nhiêu bạn ấp ủ tinh thần khởi nghiệp khi rời khỏi ghế nhà trường. Có 3 lời khuyên dành cho sinh viên: Chúng ta lập nghiệp tại vì bản chất của nền kinh tế thị trường sẽ không bao giờ tạo đủ công ăn việc làm cho tất cả con người trong nền kinh tế đó. Thực tế, sinh viên đang tạm có việc làm trong 4 năm nhưng  khi tốt nghiệp có tìm được việc làm ngay không?. Nền kinh tế hiện nay đang làm dôi một lực lượng lao động rất lớn,  đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Theo chỉ tiêu, một đất nước công nghiệp hóa là lực lượng lao động tham gia vào nông nghiệp không quá 50%, trong khi hiện khu vực nông thôn của chúng ta là 70%. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2015, chúng ta  phải có 1 triệu DN mà hiện tại Việt nam mới có trên 500.000 DN; ba là, thời đại khoa học kỹ thuật tạo nên sự gay gắt trong việc cạnh tranh việc làm. Nếu không ai tạo cho mình công việc thì tự mình tạo ra công việc cho mình. Thực tế, nhiều sinh viên ấp ủ khởi nghiệp nhưng thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, may mắn là sinh viên có chương trình khởi nghiệp nhưng chương trình này cũng mới chỉ là khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp và có sự đánh giá của các chuyên gia, doanh nhân thành đạt về dự án khởi nghiệp của mình. Thực tế, chương trình quản trị kinh doanh cũng không đào tạo cho các em kỹ năng khởi nghiệp mà muốn khởi nghiệp sinh viên cần học về các chương trình khởi nghiệp.

Theo ông Em, khi khởi nghiệp là sinh viên đang đưa ra một quyết định rất quan trọng cho tương lai dài của cuộc đời nên cần phải suy nghĩ cho kỹ. Điều quan trọng không phải sinh viên có vị trí nào mà quan trọng là trong vòng 5- 10 năm chúng ta có vị trí nào. Vậy thì ngay từ bây giờ hãy ấp ủ “ươm mầm” ngay từ bây giờ thì  ngày sau mới có cây to, phải biết ước mơ, kiên trì hành động thì mới thành công.

Qua cuộc điều tra xã hội học, trong 100 thanh niên có tới 85 người có ý định lập nghiệp, con số đó ở Mỹ là 12-15 người. Tuy nhiên, sau một thời gian kiểm nghiệm thì ở Việt Nam chỉ có 2/100 người đó lập DN.

Người khởi nghiệp cần phải có tinh thần DN, dám nghĩ, dám làm, dám chịu rủi ro. Tinh thần DN là tạo công việc cho người khác, chia sẻ mối lợi cho người khác để cùng phát triển. Ai cũng muốn khởi nghiệp nhưng quan trọng động cơ để khởi nghiệp, chúng ta phải xem tinh thần khởi nghiệp là động lực bên trong thì mới thành công.

Để nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân chúng ta cần trả lời mấy câu hỏi: Bạn đang có một vị trí rất tốt trong DN; bạn sẽ tự do hay nô lệ với DN.

Vậy sinh viên cần gì để khởi nghiệp? Vấn đề đầu tiên không phải là câu chuyện tiền, tuy nhiên nếu không có tiền thì đừng mơ khởi nghiệp. Hãy tham gia các lớp khởi nghiệp để hiểu khởi nghiệp từ đâu. Người khởi nghiệp phải xuất phát từ ý tưởng kinh doanh, cộng với sự hội đủ của những yếu tố khác.

Thứ nhất, cần xem ý tưởng của mình dựa trên nguồn nguyên vật liệu là cái gì? Hai là, từ nguồn nguyên vật liệu đó để sản xuất thì có công nghệ không? Ba là, chúng ta sẽ kinh doanh ở chỗ nào, sản phẩm tiêu thụ ở đâu?

Trong cuộc thi sinh viên khởi nghiệp các em phải làm bảng kế hoạch khởi sự, bao gồm: Mô tả toàn diện cái gì bạn sẽ kinh doanh; Các nguồn lực cần có về con người và huy động vốn; Đánh giá xem cơ hội hiện tại và mở rộng trong tương lai như thế nào? Kế hoạch kinh doanh này phải để cho những người có trách nhiệm xem xét.

Cuối cùng ông Em đưa ra kết luận. Chúng ta sẽ không ngần ngại bắt đầu từ những việc khó, việc nhỏ. Hãy làm những cái gì đơn giản nhất. Chúng ta hãy cố gắng tránh con đường thất bại mà những vị doanh nhân đi trước đã gặp phải; chúng ta phải luôn luôn cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

 Những chia sẻ của ông Lương Mai Em thực sự  là những kinh nghiệm rất quý báu  trong hành trang Khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Một trong những nội dung rất quan trọng được nhiều bạn trẻ nóng lòng chờ đợi, đồng thời cũng là một trong những hoạt động chính của Chương trình Khởi nghiệp là giao lưu khởi nghiệp. Chương trình giao lưu Khởi nghiệp dành cho các bạn thanh niên, sinh viên khu vực TP HCM trong khuôn khổ chương trình Khởi nghiệp 2013 với mục tiêu tạo cơ hội cho các bạn trẻ có cơ  hội tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường thông tin về khởi nghiệp.

Khách mời của buổi giao lưu là ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp;  Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Tiêu VN; Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Địa ốc Phương Nam 3A, P. Tổng giám đốc NH Bản Việt; Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Cty TNHHH MTV Thế Linh- Ủy viên Ban chấp hành Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai.

Các diễn giả, doanh nhân đang giao lưu: Ông Phạm Ngọc Tuấn, TBT báo Diễn đàn Doanh nghiệp, P.Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp; ông Nguyễn Hoài Nam, P.TGĐ Viet Capital Bank; ông Phạm Thế Linh, GĐ CTTNHH Thế Linh; ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phúc Sinh (từ trái qua phải)

Chương trình Giao lưu Khởi nghiệp sẽ tập trung vào các nội dung giao lưu chính, chia sẻ về những cơ hội, kinh nghiệm và kỹ năng cần có trong hành trang Khởi nghiệp. Điều đặc biệt của các vị khách mời trong buổi giao lưu này đều là những doanh nhân còn rất trẻ, là những người thuộc thế hệ 7x và đều là những người có kinh nghiệp sáng lập, góp những viên gạch đầu tiên trong Doanh nghiệp mình đang làm. Chính vì vậy,  đây chính  là cơ hội để các bạn thanh niên, sinh viên  có thể đặt những câu hỏi  cho các vị khách mời về các câu chuyện khởi nghiệp trong thực tiễn. 

Mở đầu chương trình, bạn Huy, khoa Quản trị kinh doanh chuyên ngành kinh doanh quốc tế đặt câu hỏi: Các doanh nhân nghĩ gì về việc khởi nghiệp từ con số 0? Khi khởi nghiệp thì khẩu hiệu khởi nghiệp là gì?

Ông Linh trả lời: Bước chân vào miền Nam với một chiếc ba lô, vài ba bộ quần áo, công việc đầu tiên của tôi là làm phụ hồ, chạy bàn, cùng với một số công việc chân tay khác, công việc cuối cùng là tiếp thị. Sau 3 năm bước chân vào Biên Hòa với những công việc kiếm tiền tự nuôi sống bản thân thì năm 2006 tôi mở xưởng sản xuất mùng chụp, tôi là người đầu tiên của Việt Nam mang mùng chụp ra đường bán. Khoảng 1 năm sau thì thất bại với vốn khởi nghiệp ban đầu là 5 triệu đồng do vốn ít, công nghệ lạc hậu dẫn tới giá thành không đảm bảo, lúc đó tôi bị nợ số tiền 50 triệu đồng, nên phải tính tới sản xuất một sản phẩm khác mà làm sao tất cả mọi người phải sử dụng, vốn ít không đòi hỏi công nghệ, tôi sản xuất sản phẩm gối nằm, suy nghĩ là làm thêm sản phẩm khác để đưa vào hệ thống của mình và tôi đã làm chăn- ga- nệm. sau 8 năm thì tôi đã có mạng lưới trên 80 cửa hàng tại 30 tỉnh thành với mức lương trả cho lao động bình quân trên 4 triệu đồng/ 1 tháng. Khởi đầu từ tay trắng, cái tôi làm được là quyết tâm, ý chí, luôn luôn phải vươn lên trong cuộc sống vì quá khứ tuổi thơ quá nghèo. Tất cả kiến thức, chiến lược kinh doanh phục vụ cho mình thì mình đều đã trải qua và có học được.

Mỗi một DN khi sinh ra đều phải có mục đích, sứ mệnh nào thì phải đặt câu Slogan tương ứng. Ở  công ty tôi câu đó là: “hạnh phúc của bạn là hạnh phúc của chúng tôi”.

Còn theo ông Nam, không thể khởi nghiệp bằng con số không mà phải có một chút vốn, kinh nghiệm. Bản thân tôi phải đi làm dành dụm có số vốn ít ỏi, tham gia vào thị trường chứng khoán và tìm cơ hội đầu tư. Tất cả các DN làm ra điều quan trọng là phải xác định được tầm nhìn cũng như sứ mệnh của DN. Chúng ta phải hiểu được “DN sẽ làm gì và đi đến đâu”, đó là một câu slogan hay.

Ông Thông: Nếu không có tiền thì bạn phải có kiến thức, kiến thức cũng là một tài sản lớn, để thuyết phục được ngân hàng cho bạn vay vốn, chúng ta có quên ăn quên ngủ để sáng tạo hay không? Tuy nhiên, có nhiều người học ngoài đời, còn tôi kiến thức kinh doanh tôi học được từ nhỏ, khi một DN được thành lập ra phải có sứ mệnh nào đó như sứ mệnh trang trải cho DN. Do đó, tôi nghĩ là có nhiều người có xuất phát điểm thấp,  sau đó tầm nhìn lớn hơn, khi tầm nhìn lớn hơn thì sứ mệnh cũng lớn hơn.

 - Bạn Mỹ Lan, khoa mỹ thuật công nghiệp  hỏi: Để có ngày hôm nay, chắc chắn mấy anh đã gặp rất nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Vậy những lúc khó khăn đó các anh đã làm gì để vượt qua?

Ông Linh cho rằng mỗi một lúc khó khăn thì DN  hay người làm công đều gặp khó khăn với mức độ khác nhau. Đối với tôi khi khó khăn thì tôi thường mua sách về đọc. Tôi có tư duy ngược với những gì đã được nghe từ người khác. Ví dụ khi bán mùng chụp,  các cửa hàng không tin vào sản phẩm, không chịu mua nên tôi tính mình phải mang được sản phẩm ra thị trường, vì vậy tôi dã mang  sản phẩm ra chỗ đèn xanh đèn đỏ để bán, mất một  tuần mới quen và vượt qua nỗi mặc cảm, tự động viên là mình bán những sản phẩm mình làm ra, không phi pháp. Đó là cách làm ngược lại với những suy nghĩ thông thường.

Ông Nam: Khi gặp khó khăn nên tìm cho mình những người tin tưởng có kiến thức để trao đổi. Trong khoảng thời gian đi học tôi luôn dựa vào mẹ mỗi khi tôi vấp ngã, khi đi làm tôi chọn sếp là người trao đổi và chia sẻ, đồng thời xung quanh chúng ta còn rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, khi thất bại thì chính họ là chỗ dựa tốt về tinh thần, tài chính...

Ông Thông,: Tôi kinh doanh ngành xuất khẩu nông sản tôi thấy cả thế giới đều khó khăn, tôi nghĩ quan trọng là kiến thức, sách vở có nhiều nhưng không giúp bạn được lúc khó khăn mà bạn phải có sự sáng tạo. Quan điểm của tôi “nếu anh muốn sống sót anh phải sáng tạo,  phải  luôn hiểu rằng khó khăn đó là thường trực, và anh phải sáng tạo thì mới có thể vượt qua được khó khăn”.


Bạn Xuyến, khoa môi trường bảo hộ lao động: Em muốn kinh doanh ngành trang thiết bị bảo hộ lao động, mặc dù có kinh nghiệm về môi trường nhưng lại chưa có kiến thức kinh doanh vậy em muốn lời khuyên từ các diễn giả?

Ông Linh: Nguyên liệu đầu vào tiếp cận rất đơn giản có thể tìm kiếm trên mạng, tiếp cận thị trường bằng cách trực tiếp tới khu vực bán sản phẩm đó, thu thập thông tin và người bán hàng sẽ đưa sản phẩm của các hãng khác để mình có thể đúc rút ra những sản phẩm cạnh tranh hơn.

Ông Nam: Bạn cần nghiên cứu thị trường của ngành đó, ví dụ bảo hộ đối với ngành bất động sản hiện nay đang trì trệ.. sau đó chúng ta đi tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên là DN nhỏ nên rất khó tiếp cận mà cần làm nhà thầu phụ nhỏ, đó là bước bạn nên bắt đầu làm, chứ nếu bây giờ bạn sản xuất thì tôi nghĩ bạn không có khả năng.

Hiện nay trong bảo hộ lao động có công việc chăm sóc  sức khỏe, bạn nên làm sản phẩm chống tia cực tím,  bạn nên chú trọng vào những sản phẩm này vì ít cạnh tranh.

Một câu hỏi gửi đến ông Thông: Kinh doanh có phải là năng khiếu hay không, thưa ông?

Ông Thông trả lòi: Kinh doanh rất cần sự sáng tạo, công ty của chúng tôi luôn luôn sáng tạo, là công ty xuất khẩu nhưng chúng tôi làm như một công ty thiết kế, nhân viên cũng như ban lãnh đạo luôn thấm nhuần tư tưởng ấy nên chúng tôi đã vượt qua  nhiều khó khăn. Ngành cà phê rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không chỉ kinh doanh nội địa mà chú trọng việc kinh doanh ở nước ngoài, tập trung vào khâu bán lẻ ở Mỹ, nó giúp giải quyết được nhiều khó khăn hiện tại.

- Bạn Trần Nhật Minh, sinh viên năm nhất khoa tài chính ngân hàng: Làm sao để có một sự nghiệp vững chắc? diễn giả có thể giải thích câu nói “chữ tài đi với chữ tâm”?

Ông Nam: khi làm trong ngân hàng liên quan tới tiền bạc mà tiền bạc dễ đưa người ta đi tới cái sai trái, nói chung tài và tâm cần được áp dụng cho tất cả chúng ta cũng như với doanh nhân.

Về sự nghiệp cần sự kết hợp về thời gian, công sức, sáng tạo. Khi mới ra trường chúng ta nên bắt đầu công việc ở công ty phù hợp nhất với những gì được học. Khi có kinh nghiệm cùng với sự phấn đấu, chúng ta tiếp tục duy trì sự cầu tiến của mình thì tôi hy vọng ngày đó bạn sẽ có được sự nghiệp vững chắc.

Ông Linh: Nếu chúng ta làm bất kỳ công việc gì, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh nếu không có cái tâm tốt thì DN sẽ không thể tồn tại lâu. Hiện có nhiều thông tin DN sản xuất TP sử dụng nguyên liệu nhiễm chất này chất kia… với cách làm chộp giật như vậy sớm muộn cũng bị đào thải.

Ông Thông: Quan điểm của tôi, khi chúng ta nhận được thành công thì đã là  quá khứ rồi nên để thành công bạn phải luôn luôn cố gắng, trau đồi và thay đổi. Nếu DN làm tốt,  người tiêu dùng sẽ dùng sản phẩm của DN đó, đó là quyền lực của thị trường.

Bạn Nguyễn Ngọc Thúy, sinh viên năm 3 khoa kế toán: Em nên chọn việc khởi nghiệp tự thân hay khởi nghiệp theo nhóm? 

Ông Nam: Tôi khởi nghiệp bằng cách làm cho một công ty tài chính uy tín nên có nhiều thuận lợi, và khi tìm được nhóm bạn có cùng ý tưởng kinh doanh cũng là lúc tôi bắt tay vào làm DN riêng.

Ông Linh: Khi tôi đi làm phụ hồ tôi làm hết trách nhiệm với công việc nhưng tôi vẫn quan sát và tự đặt câu hỏi: Nếu tôi làm người chủ thì tôi sẽ sắp xếp công việc đó thế nào cho tốt hơn? Mặc dù vị thế chỉ là người làm thuê nhưng tư duy luôn làm chủ, lúc đó đã là lúc khỏi nghiệp rồi. Tôi nghĩ, DN khởi nghiệp theo nhóm thì khi chưa có lợi nhuận còn chung sức vun vén cho DN nhưng khi thành công 90% sẽ tan rã. Tôi khuyên các bạn hãy làm công việc gì đó yêu thích không nhất thiết khi ra trường các bạn phải khởi nghiệp ngay, dù làm công việc gì bạn nên đứng ở góc độ người làm chủ để quan sát, đồng thời khi đã làm chủ rồi cần đặt mình vào vị trí người làm công để hiểu và tránh những xung đột giữa người làm công và làm chủ. 

Ông Thông: Tự bản thân khởi nghiệp hay làm theo nhóm với tôi không quan trọng lắm, tôi nghĩ, sách vở  rất nhiều nhưng bạn hãy làm theo cái mà bạn thích.

Ông Nam- người tự nhận là anh cả của một gia đình trả lời câu hỏi: Áp lực là anh cả của gia đình khi làm doanh nhân?

Ông Nam cho rằng:  Là con cả trong gia đình, trách nhiệm của tôi vừa là người cha vừa là người anh đối với đứa em trai. Đối với các bạn là con cả, ngoài những trách nhiệm nặng nề khi phải lo cho gia đình, khi bước vào kinh doanh, ban đầu, các bạn phải học những gì mình thích sau đó tìm cách kiếm tiền bằng những điều đã học.

- Bạn Hồ Thị Hồng Quế, Sinh viên năm 2 Khoa Kế toán: Doanh nhân có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi mới bước vào kinh doanh, đặc biệt là kỹ năng tìm kiếm khách hàng?

Ông Linh: Thời kỳ chúng tôi sản xuất sản phẩm gối hơi, tôi là người trực tiếp đi thị trường, có ngày  tôi phải chạy xe máy 450km từ Biên Hoà ra tận Nha Trang để tìm hiểu thị trường. Lúc làm DN, tôi phải trực tiếp đi nghe ngóng xem khách hàng phản hồi thế nào để về cải thiện sản phẩm cho phù hợp hơn. Vì thế, tôi khuyên các bạn khi khởi nghiệp phải tự mình làm những khâu quan trọng, trong đó có bán hàng, chứ không nên hoàn toàn giao phó cho những người làm thuê. Đồng thời, phải kiên trì, chịu khó học hỏi thì bạn sẽ thành công. Ngoài ra, điều quan trọng trong kinh doanh là các bạn nên đi vào những sản phẩm ít cạnh tranh nhất thì khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn.

Ông Thông: Các bạn phải xác định sản phẩm đó bán cho ai? Phải xác định rõ ràng mục tiêu thì có thể mới thành công được. Theo tôi, để trở thành DN cần phải có năng khiếu, biết marketing, thị trường, hiểu sản phẩm đó bán cho ai rồi mới kiên trì tiếp cận thị trường.

- Bạn Đạt, Khoa Kỹ thuật Công trình tâm sự: "Là người kinh doanh từ nhỏ với sản phẩm áo cao cấp dành cho học sinh, nhân viên công sở, khi còn là học sinh có lúc em đã kiếm được số tiền 8 triệu đồng/tháng. Sau này, khi bị các đối thủ cạnh tranh, em có dùng chiêu in tờ rơi treo trước cổng trường, cơ quan, sau đó hạ giá, cắt giảm phần trăm, tặng áo cho người đặt áo, tặng chiết khấu. Tuy nhiên, do lợi thế của đối phương là giá rẻ, nên em bị thua về giá. Vậy cho em hỏi là làm sao để có thể thoát khỏi gánh nặng về giá?"

Ông Linh: Bạn phải tạo ra sự khác biệt ở sản phẩm vì khi tạo được sự khác biệt thì sự so sánh giữa sản phẩm của bạn với đối thủ sẽ giảm đi. Mới 20 tuổi, bạn còn quá trẻ, tôi khuyến khích bạn nên đi làm thêm những công việc gì đó để tích lũy thêm kinh nghiệm, nó sẽ bổ trợ cho công việc kinh doanh hiện tại.

Ông Nam: Bạn nên xác định chính xác chi phí để bạn có thể sản xuất ra được một cái áo, sau đó mới so sánh với đối thủ cạnh tranh. Nếu giá không thể hạ xuống được thì bạn nên suy nghĩ tới những dịch vụ cộng thêm. Ví dụ: Sản phẩm của họ làm trong 3 ngày mới xong thì bạn nên cố gắng làm sản phẩm của mình trong vòng 2 ngày để tạo ra sự cạnh tranh về năng suất.

Câu hỏi của một bạn sinh viên:  Xin các anh chia sẻ về tính độc nhất của sản phẩm?

Ông Thông: Khó xác định tính độc nhất của sản phẩm. Thực tế, khi khởi khiệp rất khó khăn và bạn phải trông chờ vào chính bạn là chủ yếu, không được trông chờ vào người khác và đương nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh về giá. Trong khởi nghiệp nếu có tính độc nhất sản phẩm thì là số 1 rồi, cộng với sự kiên trì bạn sẽ dễ dàng thành công. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố khác giúp bạn thành công như việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm.

Để trở thành DN hồ tiêu số 1 trên thương trình, Phúc Sinh đã không ngừng sáng tạo. Mọi người hay nói: Làm với nông dân hay làm với các nhà sản xuất thì tính sáng tạo ít, thực tế không phải như vậy, dù làm với ai thì chúng tôi cũng không ngừng phải sáng tạo. Công ty của chúng tôi mở mang sang các thành phố lớn, liên hệ với tất cả các đại diện ở đó. Tôi thấy một điều khi mở nang mạng lưới giao dịch ở nhiều nước sẽ tạo ra nhiều sự so sánh cũng như cơ hội tốt. Cái tôi theo đuổi hiện nay là làm thế nào sản phẩm có sự khác biệt hơn, làm thế nào để người mua dễ chịu hơn?

Năm nào chúng tôi cũng đi khắp nơi trên thế giới để nghe ngóng và đánh giá lại sản phẩm của mình. Nhờ thế, ngược lại với các DN khác, trong những năm khủng hoảng chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng. Điều đó giúp chúng tôi không bị thất bại và phát triển.

Người Việt thường có tâm lý ngại đi xa. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cần đi tới các nước xem họ làm ăn như thế nào, đòi hỏi gì để tự DN của mình định hình xem có thể đáp ứng được những đòi hỏi đó hay không?

- Anh Nam có thể chia sẻ cách mà anh sử dụng và quản lý nguồn vốn hiệu quả?- Một câu hỏi gửi đến cho ông Nam.

Ông Nam trả lời: Khi một người tới ngân hàng vay vốn, chúng tôi xem xét khả năng trả lãi và gốc của họ. Nhiều người quan niệm cứ có tài sản thế chấp mới được vay nhưng điều đó không phải,  mà quan trọng là khả năng trả nợ của DN đó thế nào?.

Nếu các bạn có dự án khởi nghiệp tốt, cộng với sự bảo trợ của một ai đó như gia đình bạn bè hoặc khách hàng mua sản phẩm của bạn thì dựa vào hợp đồng đó ngân hàng mới xem xét khả năng cho bạn vay. Hoặc khi các bạn làm cho công ty, dựa trên bảng cam kết tiền lương thì ngân hàng cũng có thể cho bạn vay với lãi suất ưu đãi.

Ông Thông nhận được câu hỏi: Mối quan hệ giữa nhà xuất khẩu- nông dân và người tiêu dùng?

Ông Thông trả lời: Bây giờ an toàn thực phẩm mới phát triển ở Việt Nam nhưng chuyện này đã có từ lâu ở châu Âu và châu Mỹ. Xác định được điều đó, chúng tôi luôn hiểu làm thế nào để xuất khẩu những sản phẩm sạch là rất quan trọng, là yếu tố sống còn của công ty.

 Cả hội trường đã nóng lên với hơn một tiếng đồng hồ trong phần giao lưu khởi nghiệp với rất nhiều nội dung hữu ích và ý nghĩa. Còn rất nhiều cánh tay giơ lên nhưng vì thời gian có hạn, các diễn giả đã không thể trả lời hết câu hỏi của  các bạn. Với những điều còn thắc mắc, trăn trở, các bạn sinh viên có thể gửi câu hỏi về cho các vị khách mời giao lưu theo địa chỉ: Ban Thư ký Chương trình Khởi nghiệp- Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Tầng 5, số 9 Đào Duy Anh, Đống  Đa, Hà Nội; Cổng thông tin Khởi nghiệp www.khoinghiep.org.vn; Email: khoinghiep@dddn.com.vn; Đường dây nóng: 0969.005.666

Nhận được những câu hỏi này, Ban tổ chức và các vị khách mời giao lưu sẵn sàng giải đáp những thắc mắc đó. Chắc chắn đây sẽ là những chia sẻ bổ ích, giúp thế hệ trẻ lập nghiệp một cách tự tin, vững vàng hơn khi rời ghế nhà trường.     

Sau phần giao lưu, ông Võ Tân Thành, P.Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh;lên  tặng hoa cảm ơn các khách mời giao lưu và quà do nhãn hàng Phúc Minh - CTCP Phúc Sinh trao tặng.

Nhằm đạt được tốt hơn nữa các mục tiêu đã đề ra, năm 2013 chương trình Khởi nghiệp đã chuyển hướng chiến lược, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng Khởi Nghiệp. Các giải pháp thể hiện việc chuyển hướng này tập trung vào đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, đào tạo cán bộ, giảng viên nguồn để đào tạo lại các khóa khởi sự kinh doanh, tăng cường liên kết với doanh nghiệp và các vườn ươm ý tưởng để hỗ trợ, tư vấn, đầu tư..., đưa các dự án vào triển khai trong thực tế. Và điều đó đã được thể hiện ngay trong chương trình Giao lưu Đào tạo Khởi nghiệp TP HCM 2013 với sự ra mắt chính thức của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Đào tạo Khởi nghiệp và đại diện Ban Hội đồng phụ trách thường trực khu vực phía Nam. 

Tiếp theo chương trình, ông  Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win Win , đại diện Ban điều hành Hội đồng Tư vấn Đào tạo Hỗ trợ Khởi nghiệp đã lên sân khấu ra mắt chương trình.

Năm 2013, chương trình Khởi nghiệp đã có những bước chuyển hướng chiến lược, từ phát động, khơi dậy tinh thần Khởi nghiệp chuyển đến đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm hiện thực hóa ý tưởng Khởi nghiệp.

 Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hỗ trợ tổng thể từ GIAO LƯU ->ĐÀO TẠO->TƯ VẤN->CUỘC THI->KẾT NỐI>ĐẦU TƯ nhằm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, để đẩy mạnh và sâu hơn các hoạt động đào tạo nhằm tăng cường kỹ năng, những nền tảng căn bản trong tìm kiếm ý tưởng, lập dự án Khởi nghiệp đối với các bạn sinh viên, tại buổi giao lưu này, Ban Tổ chức đã trao tặng cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng một khóa đào tạo Khởi sự Kinh doanh với khuôn khổ khóa đào tạo từ 50-100 sinh viên, giảng dạy bởi các giảng viên cao cấp. Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng trao tặng một suất đào tạo giảng viên nguồn để giảng viên nay sẽ đào tạo lại các kỹ năng khởi sự kinh doanh cho các bạn sinh viên của Trường. Đây là một cách thức mới, ươm mầm các giảng viên nguồn để chính các giảng viên đó đi ươm mầm và gieo hạt Khởi nghiệp ngay tại cơ sở.

Thay mặt Ban Tổ chức, ông Phạm Duy Doanh, Trưởng Cơ quan đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban Tổ chức Khởi nghiệp phía Nam lên sân khấu trao quà khóa đào tạo và suất học TOT cho đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng.


Việc tham gia đồng hành cùng chương trình Khởi nghiệp 2013 ngày hôm nay của CTCP Phúc Sinh, Cty Vedan VN, CTCP DT24.vn  là một minh chứng cho tinh thần của các doanh nghiệp đi trước, thành công không chỉ trên địa bàn TP HCM nhưng vẫn không quên đỡ đầu, hỗ trợ, đồng hành cùng các thế hệ doanh chủ tương lai.  

Để ghi nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đã đồng hành cùng chương trình Khởi nghiệp, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Khởi nghiệp, thay mặt Ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp lên sân khấu trao giấy chứng nhận của ban Tổ chức cho các đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ chương trình Khởi nghiệp.

Thạc sỹ Phạm Nhất Phương, Thường trực thường vụ Đảng ủy, P.Trưởng phòng công tác sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, Bí Thư đoàn – Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trinh, Phó Trưởng phòng Marketing CTCP Dt24.vn, …lên nhận hoa và giấy chứng nhận của chương trình Khởi nghiệp. 

Cốt lõi, hạt nhân, cũng là đối tượng của chương trình Khởi Nghiệp chính là các bạn thanh niên, sinh viên,  học sinh, bộ đôi – những gương mặt thuộc thế hệ trẻ. Các bạn, với tinh thần trẻ trung, không ngừng tìm tòi, đột phá, đã và đang có rất nhiều ý tưởng, dự án, ấp ủ nhiều mong muốn khởi sự kinh doanh. Cũng đã có những bạn bắt tay thử nghiệm, có thành công bước đầu và có thất bại. Tuy nhiên, mỗi một ý tưởng, chí Khởi nghiệp của các bạn chính là một việc gạch để ngân hàng ý tưởng của chương trình dồi dào, kết quả của chương trình có thể nhìn thấy rõ ràng hơn.

Với tinh thần đó, trong chương trình Giao lưu – Đạo tạo Khởi nghiệp TP HCM năm 2013, BTC căn cứ trên danh sách đề cử của Đoàn TNCS HCM trường ĐH Tôn Đức Thắng đã trao bằng khen chứng nhận những đóng góp tích cực cho phong trào Khởi nghiệp cho 10 bạn sinh viên của Trường, kèm theo, mỗi bạn sẽ được nhận một phần quà trị giá 1.500.000đ gồm voucher mua hàng giảm giá và một thẻ Tiện nghi cuộc sống có 500.000 đồng/ mỗi thẻ, do CTCP DT24.vn tài trợ. 

Kết thúc chương trình là phần trao quà, đó là 2 chiếc điện thoại Phillipps 322, mỗi điện thoại trị giá 935.000 đồng dành cho mỗi câu hỏi được BTC bình chọn là ý nghĩa nhất. 3 phần quà dành cho câu hỏi sáng tạo và ‎ nghĩa nhất là Balo đa năng trị giá 500.000 đ và 2 phần quà nón bảo hiểm chất lượng cao cho mỗi phần.

Sau gần 4 giờ đồng hồ "'nóng"cùng tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên TP Hồ Chí Minh, chương trình giao lưu khép lại trong những cái bắt tay thật chặt của các bạn trẻ. Điều đó đã  hứa hẹn những nhen nhóm ươm mầm mơ ước kinh doanh trong đông đảo thanh niên TP Hồ Chí Minh- Những thế hệ doanh chủ tương lai của đất nước. Từ buổi khởi nghiệp đầy nhiệt huyết trên mảnh đất TP Hồ Chí Minh ngày hôm nay, chắc chắn tinh thần Khởi nghiệp, mong muốn khởi sự kinh doanh sẽ tiếp tục lan tỏa tới hàng trăm, hàng nghìn các bạn thanh niên, sinh viên khác. Đó chính là động lực cho chương trình Khởi Nghiệp Quốc gia vận động hơn nữa, tăng cường và phát huy hết mọi khả năng kết nối, tư vấn, đào tạo, bắc nhịp cầu và nguồn lực thực tế để các thế hệ doanh nhân đi trước cùng đỡ đầu, đồng hành, vào cuộc khởi sự kinh doanh cùng các thế hệ doanh nhân trong tương lai. 

Thu Hiền và nhóm PV Diệu Oanh, Nguyễn Thành (thực hiện) Theo báo DĐDN

Tin tức - sự kiện khác